i) Lập hồ sơ trẻ em được nhận làm con nuôi
Cơ sở nuôi dưỡng đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi, lập hồ sơ trẻ em, xin ý kiến cơ quan chủ quản (là cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở nuôi dưỡng, tùy từng trường hợp, cơ quan chủ quản có thể là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội). Cơ quan chủ quản cho ý kiến gửi Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ trẻ em.
ii) Tìm người nhận trẻ em làm con nuôi
- Khi tiếp nhận hồ sơ trẻ em, nếu có công dân Việt Nam thường trú trên địa bàn tỉnh đăng ký nhu cầu nhận con nuôi thì Sở Tư pháp giao 01 bộ hồ sơ trẻ em cho người nhận con nuôi và có văn bản giới thiệu người nhận con nuôi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
- Nếu không có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước đăng ký nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi:
*) Đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 24/2019/NĐ-CP) được nhận đích danh làm con nuôi, Sở Tư pháp xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi ở nước ngoài và gửi Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) hồ sơ trẻ em để tìm người nhận con nuôi đích danh có điều kiện phù hợp với việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em.
*) Đối với trẻ em không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 24/2019/NĐ-CP):
+) Sở Tư pháp thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi. Nếu không có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi hồ sơ trẻ em cho Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) để thông báo tìm người nhận con nuôi ở cấp Trung ương.
+) Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi. Nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng để được xem xét, giải quyết. Trường hợp không có người Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) thông báo lại cho Sở Tư pháp.
iii) Xác nhận trẻ em đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài
+) Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ của trẻ em và đối chiếu với các quy định về đối tượng, độ tuổi của trẻ em được nhận làm con nuôi, trường hợp được nhận đích danh, trường hợp phải thông qua thủ tục giới thiệu; hồ sơ phải có đủ các giấy tờ hợp lệ.
+) Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan công an cấp tỉnh xác minh nguồn gốc trẻ em. Cơ quan công an có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ.
Trường hợp Công an cấp tỉnh xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ và Sở Tư pháp liên hệ được với cha, mẹ đẻ thì Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi.
Trường hợp không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ, Sở Tư pháp niêm yết tại trụ sở Sở Tư pháp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cho trẻ em làm con nuôi. Thời hạn niêm yết là 60 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.
+) Sở Tư pháp lấy ý kiến đồng ý của cha mẹ đẻ của trẻ em; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó; trường hợp trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng thì phải có văn bản lấy ý kiến của Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng về việc cho trẻ em làm con nuôi.
Khi lấy ý kiến của những người liên quan, công chức phải:
*) Tư vấn để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình;
**) Tư vấn đầy đủ cho cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ về mục đích nuôi con nuôi; quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sau khi đăng ký nuôi con nuôi; về việc cha mẹ đẻ sẽ không còn các quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận khác;
***) Giải thích cho những người liên quan về quyền thay đổi ý kiến đồng ý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến đồng ý: Trong thời hạn này, những người liên quan (trừ trường hợp người được lấy ý kiến là Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng) do chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu rõ những vấn đề được tư vấn hoặc bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố tâm lý, sức khoẻ đã đồng ý cho trẻ em làm con nuôi sau đó muốn thay đổi ý kiến thì phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đang giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi. Hết thời hạn này, những người liên quan không được thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi.
+) Sở Tư pháp xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài, gửi Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) văn bản xác nhận trẻ em đủ điều kiện được cho làm con nuôi, văn bản xác minh của Công an cấp tỉnh đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; trường hợp trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng thì phải có văn bản lấy ý kiến của Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng về việc cho trẻ em làm con nuôi.
iv) Nộp hồ sơ, kiểm tra và thẩm định hồ sơ của người nhận con nuôi
- Văn phòng con nuôi nước ngoài nộp hồ sơ của người nhận con nuôi cho Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi), người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam ít nhất là 01 năm nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của trẻ em cho Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi).
- Căn cứ vào số lượng trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tiếp nhận hồ sơ của người nhận con nuôi.
- Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) kiểm tra, thẩm định hồ sơ của người nhận con nuôi. Trường hợp chấp thuận hồ sơ, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tiến hành các thủ tục tiếp theo. Trường hợp không chấp thuận hồ sơ, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do bằng văn bản.
v) Trường hợp giới thiệu trẻ em
+) Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi thông qua thủ tục giới thiệu cho Sở Tư pháp căn cứ vào số lượng trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài và số lượng hồ sơ của người nhận con nuôi đã được chấp thuận.
+) Sở Tư pháp giới thiệu trẻ em và báo cáo UBND cấp tỉnh cho ý kiến.
Trước khi xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp giao 01 bộ hồ sơ trẻ em cho người nhận con nuôi và giới thiệu người đó liên hệ với UBND cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng để được xem xét, giải quyết. Nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì UBND cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để chấm dứt việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
+) Trường hợp UBND cấp tỉnh chấp thuận, Sở Tư pháp chuyển cho Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) 01 bộ hồ sơ của trẻ em kèm theo văn bản đồng ý của UBND cấp tỉnh. Trường hợp không chấp thuận, UBND cấp tỉnh thông báo rõ lý do bằng văn bản để Sở Tư pháp tiến hành giới thiệu lại. Trường hợp Sở Tư pháp không giới thiệu được thì gửi trả lại hồ sơ của người nhận con nuôi cho Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) kèm theo văn bản nêu rõ lý do.
vi) Kiểm tra và thông báo kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài
- Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) kiểm tra kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 28, khoản 3 Điều 36 Luật Nuôi con nuôi, Điều 20 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 24/2019/NĐ-CP. Nếu cần thiết, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, y tế, gia đình, xã hội.
- Nếu trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi ở nước ngoài, việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định và đáp ứng lợi ích tốt nhất của trẻ em, thì Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) thông báo bằng văn bản cho người nhận con nuôi, Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của nước ngoài hữu quan kèm theo báo cáo đánh giá về trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi ở nước ngoài và văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; văn bản lấy ý kiến của Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng về việc cho trẻ em làm con nuôi. Trường hợp trẻ em không đủ điều kiện để cho làm con nuôi, việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi không bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định và không đáp ứng lợi ích tốt nhất của trẻ em, thì Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) thông báo cho Sở Tư pháp.
- Văn phòng con nuôi nước ngoài/Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của nước ngoài hữu quan/người nhận con nuôi gửi Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) văn bản đồng ý của người nhận con nuôi về trẻ em được giới thiệu và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hữu quan xác nhận trẻ em được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi.
- Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) thông báo cho Sở Tư pháp về ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, ý kiến của người nhận con nuôi.
(vii) Trường hợp nhận đích danh trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo
Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài (như bước “vi”), sau đó chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
(viii) Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và tổ chức lễ giao nhận con nuôi
- Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.
- Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi.
- Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi và tổ chức lễ giao nhận con nuôi. Tại lễ giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp giao cho cha, mẹ nuôi 01 bộ hồ sơ trẻ em gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật nuôi con nuôi và văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; trường hợp trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng thì phải có văn bản lấy ý kiến của Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng về việc cho trẻ em làm con nuôi.
- Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phù hợp Công ước La Hay (nếu có yêu cầu).